NGHỆ THUẬT VIẾT KỊCH BẢN ĐIỆN ẢNH (TẬP 1)

PHẦN THỨ NHẤT: NGHỀ NGHIỆP 

CHƯƠNG 1: CHẤT LIỆU LÀM PHIM

Mỗi một bộ phim, dù ở trình độ trí tuệ hay nghệ thuật nào, trước hết là một câu chuyện. Một câu chuyện chặt chẽ, không để xảy ra một chút gì ngẫu nhiên cả.

Mọi thứ viết ra giấy, phải thành hình ảnh: mọi thứ phải nhìn thấy được. Đối thoại là một cái khung giả, chỉ khi nào cần, bạn mới xài đến.

Trong những bài tập thực hành của các bạn, không được có một cuộc đối thoại nào trước tuần chót của khóa học. Đối thoại là giai đoạn cuối mà bạn sẽ quan tâm tới – giai đoạn viết cuối cùng. Bất kỳ lúc nào, bạn hãy gắng tìm một hành động chỉ ra mối tương quan giữa các nhân vật của bạn. Hãy tập kể bằng hình ảnh. Những diễn từ, diễn văn tràng giang đại hải, chỉ thật sự tốt cho truyền hình thôi.

Chớ có nói là: “Albert giận”, mà phải diễn tả cho chúng tôi hiểu Albert làm cái gì, khiến chúng tôi có thể thấy là anh ta đang cáu giận. Chớ có viết: “Đây là mẹ anh ta”, mà hãy cho thấy, anh con làm gì để ta hiểu người phụ nữ đó là mẹ anh ta. Hãy dùng hành động để cho người ta hiểu chuyện, như là trong phim câm vậy.

Ngay từ giờ, hãy bắt đầu tập hợp các tài liệu, ghi chép mọi tình huống mô tả mối quan hệ giữa các nhân vật khác nhau.

Khi bắt đầu buổi chiếu phim, khán giả chưa hiểu cái mô tê gì ráo, anh ta chỉ hiểu qua cái gì trông thấy. 5 phút đầu của bộ phim là chính yếu. Hãy thử cung cấp lượng thông tin tối đa, mà không cần đến lời nói; Khắc họa tính cách nhân vật bằng lối phục sức của họ, hoặc gián tiếp bằng cảnh trí mà họ đang thao diễn anh bơm xăng trước trạm bơm, ông sếp ga trước nhà ga xe lửa, v.v…

Hãy xoay xở sao cho với 5 phút đầu của bộ phim, là xác định được cái đấu trường nghĩa là khoảng không gian (lịch sử địa lý), mà hành động phim sẽ diễn ra.

(trích tư liệu từ Trung Tâm Nghiên Cứu Nghệ Thuật Và Lưu Trữ Điện Ảnh Việt Nam)

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *