PHẦN THỨ NHẤT: NGHỀ NGHIỆP
CHƯƠNG 1.2: CHẤT LIỆU LÀM PHIM
Bạn có thể phóng tác từ một tác phẩm lãng mạn, một vở kịch, một chương trình phát thành, một bài đăng trên nhật báo hay tạp chí; bạn có thể dựa trên một chuyện của chính mình, hay là nghe người ta kể. Giả dụ = một hôm, bạn hay tin, bà mẹ vợ bị nổi chai ở bàn chân, bà ấy đã đi điều trị ở một vùng nước khoáng, và chữa khỏi được rồi. Nói cách khác, bạn có thể lấy chất liệu ở bất kỳ chỗ nào, miễn là quay thành phim được.
“Quay thành phim được” là sao? “Quay phim được” và “có kịch tính”, là 2 thuật ngữ tương đương. Tôi rất thích dùng hình ảnh này, (giảng sư Bill Fadiman vừa nói vừa chọi 2 năm tay vào nhau) Cái này, có kịch tính, có cọ xát, có xung đột. Cái gì đó, quay phim được là ngay khi bạn tạo ra một sự đối lập – một kiểu vật cản để mà chiến thắng hay vượt qua.
Ngay một chuyện tình giản đơn, cũng cần có kịch tính. Trong cái vụ anh con trai gặp cô em gái, tán tỉnh nàng, cuối cùng cưới nàng làm vợ, thì không có chút kịch tính nào. Rất chi là dễ thương, và tôi cũng sẵn lòng nhâm nhi từng lời, từng lời trao đổi cuống cuồng giữa 2 cô cậu… nhưng không phải là kịch! Trái trở lại, nếu như cậu chàng bảnh bao của chúng ta, sau một cuộc hội kiến ngắn, phải hóa giải nổi ba ngàn, bốn trăm, năm mươi sáu cạm bẫy ma quái trước khi dợm hôn cô nàng lần đầu tiên, thế thì câu chuyện sẽ hết ý về chất kịch và do đó, quay phim được.
Bạn rất có thể khai thác chất liệu làm phim trong cuộc sống thường ngày của bạn. Tiện thể nói luôn: không chú ý tới điều đó là bạn sai lầm. Cuộc sống đầy ắp những tấn kịch riêng tư nho nhỏ. Bạn là độc nhất vô nhị trên cõi đời này! (xét về mặt đó). Mỗi người chúng ta là một cái bồn đầy tràn chất liệu kịch tính. Và khi tôi nói “Kịch tính”, điều đó không nhất thiết phải là những tấn kịch khủng khiếp, hay đắm đuối gì. Không! Cái thái độ của bạn, về chính bạn, mới là kịch tính. Bạn nhìn đời khác với tôi, với bất kỳ ai. Bạn thấy cuộc đời xấu xa, kỳ chướng, hay hấp dẫn. Bạn cho là mọi thứ đều bịa đặt, lộ liễu, hoặc giả ngược lại, bạn cho đó là chỗ đặt chân vào, phải lợi dụng cho được…
Hãy tự mình mày mò, hãy thám hiểm cái thế giới chung quanh mình. Hãy cho chúng tôi biết phán đoán của bạn, quan điểm của bạn. Việc của bạn là thuyết phục tôi, là quyến rũ tôi.
(trích tư liệu từ Trung Tâm Nghiên Cứu Nghệ Thuật Và Lưu Trữ Điện Ảnh Việt Nam)